Chú Giải Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIV Mùa Thường Niên (Lc 21,29-33) | Giáo Phận Phú Cường

CHÚ GIẢI TIN MỪNG
THỨ SÁU TUẦN XXXIV MÙA THƯỜNG NIÊN
TIN MỪNG: Lc 21,29-33

Noel Quesson - Chú Giải

Bài đọc I: Kh 20, 1-4. 11.21, 2

Thiên Chúa phán xét... Con Rồng, con Rắn xưa cũng là ma quỷ bị quăng vào vực thẳm…

Cuộc phán xét đã khởi đầu như thế: sự dữ bị tiêu diệt.

Rồi tôi thấy một ngai lớn màu trắng.

Gioan tả lại quang cảnh của Tòa Đại hình: Gồm có: chiếc ghế, quan tòa, các hồ sơ, các bị cáo. Quang cảnh thật uy nghiêm. Đời sống nhân loại không phải là một trò đùa, làm cách giả vờ. Thiên Chúa đã đặt chúng ta mỗi người đều có trách vụ. Người coi chúng ta đúng như vậy! Thật là quan trọng. Chính Người sẽ để ý đến và Người sẽ tôn trọng các quyết định của ta.

Các người chết được xét xử tùy theo việc họ đã làm, dựa vào những gì đã được ghi chép trong sổ sách.

Mỗi ngày sống của ta đều được ghi vào sổ sách. Biểu tượng thật rõ ràng? Cuộc sống đời đời của ta là cách kéo dài đời sống hiện tại, không có gì võ đoán cả.

Phần thưởng hay án phạt không phải là một thứ tùy tiện thiếu công minh của Thiên Chúa: HÔM NAY, trong giờ phút này, ta đang thiết lập sự phán xét, bởi vì đời sống, hành vi, lời nói, những dấn thân hay từ chối của ta HÔM NAY, đều được ghi vào sổ sách của Thiên Chúa.

Lạy Chúa, tại sao con lại che giấu Chúa những điều làm con sợ? con biết rõ đời con thật nghèo nàn tội lỗi. Và dưới cái nhìn thánh. thiện của Người tội lỗi con lại nổi bật lên. Nhưng con tin rằng trong cuốn sổ vĩ đại của Người cũng có ghi lại lời thống hối ăn năn của con, và lời nài xin khiêm tốn đến tha thứ mà con thốt ra với người HÔM NAY. Xin thương xót con.

Bấy giờ tôi thấy một trời mới và một đất mới.

Tôi gợi lại trong trí ý niệm về "đều mới lạ" về một vật mới: một cái áo mới, một mái nhà mới, một trẻ mới sinh, một bông hoa mới nở, một cuộc tình mới, một đĩa nhạc mới, một quyển vở mới... một đồ vật mới mà tôi mơ ước từ lâu, và nó đang có đó.

Thiên Chúa chuẩn bị một trời mới, đất mới, một cuộc tạo thành mới. Đối với Thiên Chúa, tạo dựng không phải là việc đã qua, nó còn đang phải dồn hết nỗ lực để thực hiện cho đến tận cùng lịch sử đến tận chân mây cuối trời: nhân loại sẽ đi đến cái mới lạ, đến tuổi tươi trẻ của nó. Xin tạ ơn.

Và tôi thấy thành thánh Giêrusalem mới.

Chắc chắn là vậy, trong thời tận cùng, mọi sự đều “mới".

Từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống.

Thành trì mới, tác phong mới để liên hệ loài người với nhau, là một ân huệ từ trời cao ban xuống.

Sẵn sàng như một tân nương.

Đây là một trong các hình ảnh đẹp nhất của Kinh Thánh. Nhân loại mới như một tân nương cho Thiên Chúa. Một vị hôn thê ! Đó là biểu tượng của sắc đẹp, tuổi trẻ, tình yêu, của vẻ tươi mát, và hạnh phúc.

Trang điểm.

Nhân loại mới, tất thiên đã đẹp rồi... nhưng càng đẹp lộng lẫy hơn vì đã trang điểm kỹ càng.

Để đón tân lang.

Bởi nàng yêu chàng... và chàng yêu nàng…

Đây là cách Thiên Chúa nhìn ngắm nhân loại mới trong tình trạng cuối cùng. Nhân loại đã được đính hôn với Thiên Chúa, được kết hợp với Thiên Chúa, được Thiên Chúa dẫn dắt vào gia đình riêng của Người để sống tình thân mật, được Thiên Chúa đưa vào cảnh hạnh phúc của Người.

Không, Khải huyền không đồng nghĩa với tai ương thảm hoạ. Khải huyền có nghĩa là “mạc khải". Đây này, Khải huyền, mạc khải ngày thế mạt.

Đây là cách Thiên Chúa nhìn cảnh tận cùng của “thế giới” và ngày cuối của "tôi ".

Bài đọc II: Đn 7, 2-14

Chương VII sách Đaniel mà chúng ta suy gẫm, hôm nay và ngày mai, là phần quan trọng nhất của trong Khải Huyền Kinh Thánh. Do sự phong phú về hình ảnh, do sinh khí sứ ngôn mạnh mẽ, do sự sâu xa về thần học của các chủ đề... nó trực tiếp loan báo Khải huyền của Thánh Gioan.

Và ta đừng quên là khi đọc những lời nóng bỏng này, mà Chúa Giêsu, trước tòa án của thượng tế Caipha (người cũng biết sấm ngôn này) đã áp dụng cho mình bản văn này và đòi quyền đồng hàng với Thiên Chúa... lấy danh “ con người”… loan báo việc "Người đến trên mây trời”. Chính điều đó khiến Người bị kết án tử, vì phạm thượng.

Trong một thị kiến ban đêm..Tôi nhìn thấy có những ngọn gió từ bốn phương trời... có bốn con thú khổng lồ từ biển đi lên: con sư tử... con gấu... con heo…một con thú có mười sừng và có nanh sắt…

Đừng vội bỏ qua những hình ảnh này, coi chúng là ấu trĩ. Đó là một triết học thâm sâu về lịch sử được diễn tả trong đó: Sự tiếp nối của các vương quốc vô thần trần thế ( không nhận biết thiên Chúa thật) là một sự tiếp nối các thể chế vô nhân, trong đó sự tàn ác thống trị gây hại cho con người.

Đaniel biết được vài điều, khi sống dưới quyền cai trị của Antiôcô êpiphanê, con người muốn uốn nắn toàn dân và áp đặt cho nó một lối sống... không tôn trọng sự tự do và phẩm giá sâu xa của con người.

Cơn cám dỗ muốn “thống trị”, “đè nén”, “uốn nắn”, "áp đặt” “khủng bố”, “dùng bạo lực"... lại chẳng hề có trong tôi nữa sao?

Trong cuộc sống lứa đôi, nghề nghiệp, trong các cuộc bàn cãi và trò chuyện... tôi cư xử thế nào? Tình yêu hay bạo lực?. Đối thoại hay phe phái? Tìm hiểu nhẫn nại với tha nhân... hay áp đặt theo quan điểm của tôi? Cơn cám dỗ quyền lực biện chứng" của chủ và của nô lệ dẫn tới đó. Đây không chỉ nằm trong các quan hệ kinh tế, mà đã ở trong “lòng người”. Lạy Chúa, xin thay đổi lòng trí con.

Tôi chăm chú nhìn mãi cho đến khi đặt xong các tòa và vị bô lão lên ngự trên tòa… Người ngự tòa xét xử và các quyển sách đã được mở ra: "Con Thú” bị giết... các con thú khác cũng bị tước đoạt hết quyền lực.

Đây là cuộc Thiên Chúa phán xét lịch sử. Đaniel loan báo kết cuộc gần cận của các "vương quốc trần gian”. Vương quốc sau cùng áp bức dân Chúa. "các con thú khác cũng bị tước đoạt hết quyền lực”. Lạy Chúa, có đúng vậy không?

đúng là các quyền lực nhân loại không còn độc ác nữa và không lạm dụng quyền lực của họ nữa không? Hỡi ơi, chúng con biết rằng lịch sử vẫn bắt đầu lại. Nhưng sự phán xét cũng bắt đầu lại, thường xuyên. Lạy Chúa, xin thay đổi lòng chúng con.

Tôi đã ngắm nhìn và đây tôi nhìn thấy Con Người đến trong đám mây trên trời.

Đây là niềm cậy trông đích thực.

Không chỉ là một sự giải phóng chính trị và kinh tế, dầu rất cần thiết... nhưng một sự giải phóng nội tâm, "nước Chúa", do sự trung gian của “con người”.

Vị này ban cho Người quyền năng, vinh dự và vương quốc : Tất cả các dân tộc, chi họ và tiếng nói đều phụng sự Người quyền năng của Người quyền năng vĩnh cửu không khi nào bị cất mất…

“Con người này ". Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đòi được làm người. Người đến “trên mây trời": Điều đặc biệt của các thiên thể.

Phải Người từ trời đến hơn là từ mặt đất. Đây không phải một “Đấng Thiên Sai "chỉ thuộc trần thế, đây không phải một “nước" như các nước khác.

Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, các binh sĩ của tôi đã chiến đấu để tôi khỏi bị trao nộp" (Ga 18,36).

Và dầu vậy, Người “như ”: con người. Nghèo nàn và khốn khổ!

BÀI TIN MỪNG: Lc 21, 29-33

Đức Giêsu vừa loan báo sự “kết thúc Giêrusalem”, và bằng cách biểu tượng hay thực sự, Người cũng nói đến sự “chấm dứt thế giới"... cho biết những lần Người đến trong thời gian là điềm báo cho việc Người đến lần sau hết. Mối quan tâm đặc biệt của Đức Giêsu là cố gắng cất khỏi các Tông-đồ mọi nỗi kinh hoàng.

Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên…

Giáo hội ra đi, hoàn toàn “khom mình dưới sức nặng của những thử thách và ngược đãi. Đức Giêsu yêu cầu Giáo hội ấy "đứng dậy" và ngẩng đầu lên.

Đối với nhiều người, sự việc xuất hiện như một cuộc tàn phá một kết án khủng khiếp, thì trái lại đối với những kẻ tin, phải là khởi đầu cho công cuộc cứu độ.

Vì anh em sắp được giải thoát.

thuật ngữ trên, thường xuất hiện trong Thánh Phaolô (Cr 1,30; Rm 3,24. 8,23; Cl 1,14), chỉ được sử dụng ở đây, so với tất cả các sách Tin Mừng

từ ngữ Hy lạp “Apolutrôsis" mà La-tinh dịch là "redemptio” có nghĩa là cứu rỗi. Nhưng có thể dịch là “Apolutrôsis " trực tiếp sang tiếng Pháp là “délivrance": sự giải thoát.

Anh em sắp được giải thoát.

Lạy Chúa, xin giúp con đương đầu với mọi biến cố lịch sử như một giai đoạn dẫn con tới gần sự giải thoát".

Đức Giêsu kể cho các môn-đệ nghe một dụ ngôn: Anh em hãy xem cây vả cũng như tất cả các cây khác. Khi cây đâm chồi, anh em nhìn thì anh em đã biết là gần đến mùa hè.

Tôi thích kiểu so sánh này biết bao!

Một cây đang sống trong mùa xuân. Có gì đẹp hơn! Có gì hứa hẹn hơn! Tôi tưởng tượng ra một cây vả, hay một cây táo đang đâm chồi nẩy lộc. Sau mùa đông, là một hứa hẹn của mùa hè. Tôi ở lặng một lát để chiêm ngắm, bằng tưởng tượng, hình ảnh này:

Đối với Đức Giêsu, gần tới “kết thúc”, là gần đến mùa ươi đẹp. Mùa hè đã gần đến! Cuộc Thụ Khổ sắp bắt đầu trong vài ngày nữa ( Lc 22).

Khi những biến cố báo hiệu sự kết thúc Giêrusalem, tận cùng của thế giới, kết liễu cuộc đời của bạn... sẽ bắt đầu giai đoạn anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên bởi vì giờ giải thoát của bạn đã đến gần ! mùa hè đã tới!

Cũng vậy, khi thấy những sự đó xảy ra, anh em hãy biết là triều đại Thiên Chúa gần đến.

“ Người ta sẽ sợ hãi kinh hồn chờ đợi tai họa sẽ xảy ra trên thế giới”. "Anh em hãy đứng dậy ! Nước Thiên Chúa đã gần kề!”.

Tại Palestina, thực tế không có mùa xuân. Ta thấy sự biến đổi rất nhanh từ Đông sang Hè. Đồng một lúc mọi cảnh vật đều trổ mầm! Đây là một trong những hình ảnh Đức Giêsu trao cho các bạn hữu Người, về cái chết... về ngày thế mạt. Hơn nữa, người phân biệt rõ ràng những kẻ có đức tin với những người khác là những kẻ khiếp sợ.

Không cần trả lời câu hỏi mà các bạn hữu Người đặt ra về ngày giờ. Đền thờ bị phá hủy tốt hơn Đức Giêsu chỉ cho họ những thái độ phải nắm giữ. “Những gì anh em nhìn ngắm đây, sau này sẽ đến ngày không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào. Lạy Thầy, bao giờ những sự ấy sẽ xảy ra ? Khi những điều đó xảy đến anh em hãy đứng dậy”.

Thái độ đầu tiên trước những lời loan báo cánh chung, là hy vọng!

Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.

Thái độ thứ hai, đó là... Tin tưởng! Tin rằng Thiên Chúa không có thể thất bại, và Lời Người bền vững, không mỏng dòn, không suy giảm.

Kitô hữu hôm nay có nêu chứng tá về thái độ vững vàng an tâm, mà Đức Giêsu đã chứng tỏ trong vài ngày trước cái chết của Người không? Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một Đức tin vững chắc hơn.

Giáo phận Nha Trang - Chú Giải

Dụ ngôn cây vả.

HOÀN CẢNH:
sau khi giải thích cho các môn đệ về những điềm báo trước về việc đền thờ và thành Giê-ru-sa-lem bị sụp đổ, để loan báo về ngày cánh cung, Đức Giê-su lại lấy ví dụ cụ thể ai cũng biết, là cây vả, để chứng thực cho điều Người vừa dạy.

Ý CHÍNH:

Đức Giêsu dùng dụ ngôn cây vả để khuyên nhủ các môn đệ phải tỉnh thức và sẵn sàng đón Chúa đến.

TÌM HIỂU:

 29-30 " Đức Giêsu kể cho môn đệ nghe …":

Để diễn tả chân lý cho người dễ hiểu, người ta thường dùng dùng những ví dụ dựa vào những sự vật, biến cố, công việc trong đời sống thường nhật để giải thích.

Ở đây, diễn tả biến cố Chúa đến trong ngày cánh chung, Đức Giêsu dựa vào hình ảnh cây vả cũng như cây khác, để làm nổi bật giáo huấn của Chúa về ngày cánh chung

Bên thánh địa cứ vào tháng ba, cây vả này lộc bất luận trời nóng hay lạnh, hạn hán hay mưa lụt, cứ thấy cây vả đâm chồi nảy lộc là biết gần đến mùa hè

31 "anh em cũng vậy…"

Cũng một cách như cây vả là điềm báo mùa hè thí khi xem thấy thiên tai xảy ra cũng là điềm báo thành giêrusalem bị sụp đổ và do đó cũng là những điềm báo nước Chúa đã gần đến, mà Mattheu(24,32-35) và Maccô (13,28-31) nói về biến cố cánh chung

32"thầy bảo thật anh em…"

Và như để giới hạn về thời gian Chúa đến. Đức Giêsu lại ghi thêm: thế hệ này sẽ qua đi trước khi các điều ấy xảy ra". Kiểu nói "thế hệ này" được hiểu nhiều cách khác nhau:

Giêrêmia: hiểu là tất cả nhân loại nói chung và tất cả dòng dõi người Do Thái nói riêng

Origen: hiểu là dòng dõi thiêng liêng các kitô hữu

Nhưng thiết tưởng theo các sách tin mừng, thì kiểu nói"thế hệ này"xem ra được chỉ về thế hệ đương thời (Mt 11,16; 12,39; 17,17; Mc 8,12,38; Lc 11,29.32)

33"trời đất sẽ qua đi…"

Đây là kiểu nói theo cung cách long trọng để nhấn mạnh tính cách xác thực về giáo huấn của Chúa trên đây sẽ thực hiện

NHẬN THỨC VÀ ÁP DỤNG:

Câu 21,29:Chúa dùng hình ảnh sinh thái của cây vả và bất cứ cây gì để diễn tả giáo huấn xem dấu chỉ để biết thực tại

Những ai có trách nhiệm truyền đạt chân lý cần noi gương Chúa Giêsu, biết lấy những biến cố sự việc và vạn vật… để diễn tả những thực tại của chân lý cho dễ hiểu

Chúng ta rất tài giỏi khi nhìn dấu chỉ bên ngoài để biết cái bên trong, hoặc nhìn thấy điềm báo trước, biết được sự việc sắp xảy đến, nhưng chúng ta ít nhận ra được những thực tại vô hình :"trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa "(Tv 18)

Câu 21,30: cây cối đâm bông nở hoa thì sẽ kết trái; cây vả đâm chồi nảy lộc báo hiệu mùa hè đã đến. Cũng vậy, sự kiện Chúa Giêsu đến trần gian khởi đầu cho việc cứu độ, và đó là Mùa Xuân Nước trời, báo hiệu cho việc sẽ chấm dứt trong vinh quang, tức là ngày cánh chung, đó là mùa thu hoạch, mùa gặt hái. Tin thật như vậy, chúng ta phải sống tư thế "đứng thẳng" và "ngẩng đầu lên" vì giờ cứu rỗi sắp đến

Câu 21,31:chúng ta cần ý thức để nhìn thấy hoặc đón nhận các dấu chỉ hữu hình bên ngoài qua các bí tích, để cảm nghiệm và sống các thực tại vô hình là ơn sủng Chúa ban theo từng bí tích

Hãy ý thức bằng lòng tin khi chịu lễ để xứng đáng đón nhận Chúa ngự vào lòng và sự sống của Chúa trong cuộc sống hằng ngày

Câu 21,32: Chúa có ý nói đến thệ hệ đương thời đang nghe người giảng dạy, sẽ còn sống để chứng kiến biến cố đền thờ Giêrusalem bị sụp đổ. Nhưng lời Chúa nói hôm nay và việc Chúa đến trong hiện tại bằng ơn thánh và trong tương lai qua cái chết của mỗi người chúng ta chắc chắn sẽ xảy đến điều này nhắn nhủ chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng chờ Chúa đến trong hiện tại bằng ơn thánh và trong tương lai bằng việc dọn mình chết lành

Câu 21,33: Chúa khẳng định về tính xác thực những lời Chúa nói để thúc đẩy chúng ta tin vào lời Chúa bằng cách đem ra thực hành trong đời sống

Lời này nhắc nhủ chúng ta phải biết nghe và đọc lời Chúa trong đức tin, cậy, mến để lời Chúa sinh hiệu quả phần rỗi chúng ta

©2020 - GIÁO XỨ HƯNG VĂN. All rights reserved.